BÀI GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 01/2023
Tác phẩm “Sương phố bóng người” của nhà văn Trần Chiến
Bạn đọc thân mến!
Sinh ra và lớn lên, gắn bó cuộc đời ở mảnh đất ngàn năm văn hiến, với nhà báo, nhà văn Trần Chiến, Hà Nội là đề tài dường như chưa bao giờ cũ trong sự nghiệp cầm bút của ông. Bởi vậy, nối tiếp sau những sáng tác rất thành công của ông như “Cậu ấm”, “A đây rồi Hà Nội bảy món”, “Chín bỏ làm mười” thì “Sương phố bóng người” một tuyển tập tạp văn truyện ngắn – là tác phẩm tiếp tục mạch nguồn về Hà Nội mà nhà văn Trấn Chiến giới thiệu đến bạn đọc.
Trong tác phẩm của mình, nhà văn Trần Chiến dành một không gian khá lớn để tái hiện lại hình ảnh Hà Nội thời “sương phố” - một thành phố đã hiên ngang bước qua những cuộc chiến tranh, một Thủ đô đầy bản sắc truyền thống. Đó là Hà Nội gắn với khu hồ Hoàn Kiếm - nơi “đích thực Tràng An hơn bất cứ đâu”, nơi “mỗi bước đi đều gặp những dấu vết lịch sử, văn hóa tiêu biểu của Hà Nội”. Những thắng cảnh nơi đây, từ những cảnh cũ như ngôi chùa trên đảo Ngọc sau đổi thành đền Ngọc Sơn, bút tháp đài nghiên, cầu Thê Húc, tháp Hòa Phong đến những cảnh mới như Tràng Tiền lộng lẫy, sang trọng, Nhà hát Lớn diễm lệ, Nhà thờ lớn uy nghi, phố Đinh Tiên Hoàng ồn ã bán mua, những hiệu ảnh lâu năm thấp thoáng trong bóng cây trên phố Hàng Khay… đều trở thành những điểm đến cho bất kỳ ai muốn tìm, muốn hiểu về Hà Nội. Hồ Gươm với Hà Nội như “lẵng hoa giữa lòng thành phố”, ở đó thiên nhiên và kiến trúc hòa hợp với nhau tạo ra một quần thể kiến trúc - mỹ thuật - văn học, vừa mang dấu ấn của lịch sử, văn hóa, vừa đầy tính nghệ thuật. Hà Nội có hồ Gươm mà có một vẻ đẹp rất riêng vì vậy.
Hà Nội xưa trong ký ức của nhà văn Trần Chiến còn hiện lên qua những thời khắc lịch sử đáng nhớ. Đó là hình ảnh Hà Nội của một mùa thu cách đây hơn 70 năm trước, là những ngày lịch sử sôi động, khi những người con dân Hà Nội đang chung tay góp sức “đem vàng cứu nước”, đóng góp vào ngân khố của chính quyền non trẻ, thiếu thốn sau ngày Độc lập. Đó là những ngày tết Đinh Hợi ngùn ngụt khí thế với “cuộc rút lui vĩ đại” mà quân dân Hà Nội đã khắc tạc vào lịch sử dân tộc như một dấu mốc không thể nào quên.
Với nhà văn Trần Chiến, Hà Nội là một thành phố đa sắc”, như “kính vạn hoa chỉ nghiêng đi một tý đã thấy khác”. Có lẽ bởi thế, hình ảnh Hà Nội trong tạp văn của ông cũng đầy gam màu, cung bậc, muôn hình muôn vẻ: vừa thâm trầm cổ kính, vừa hiện đại sôi động, vừa đầy bản sắc truyền thống lại vừa tạm bợ xô bồ. Góc nhìn của một nhà báo mang đến cho tạp văn ông cái nhìn khách quan, ở đó không che đậy hình ảnh một Hà Nội có phần ngổn ngang, thậm chí nhếch nhác, khi những khát vọng vươn lên cũng đi cùng với những rạn nứt, đứt gãy của giá trị truyền thống. Nhưng dù khách quan, dù điềm tĩnh, đằng sau trang viết vẫn là những nỗi niềm của một người con Hà Nội đang chứng kiến thành phố thay đổi từng ngày mà vẫn không thể ngừng hoài niệm, nuối tiếc về những cảnh, những người, những nếp tục của một thời sương phố.
Ở thể loại truyện ngắn, 13 tác phẩm được tuyển chọn mở ra cho người đọc về một hiện thực khác. Đó là những câu chuyện về đời, về thân phận con người, nhân tình thế thái. Nhân vật trong truyện ngắn Trần Chiến đủ mọi tầng lớp trong xã hội, mỗi người một cảnh ngộ, một số phận khác nhau, nhưng cùng gặp nhau trên hành trình tìm kiếm hạnh phúc – là được sống là chính mình, với đúng nhu cầu, mong ước của bản thân, cho dù không phải ai cũng có thể tới địch./.