BÀI GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 11
Cuốn sách “Các Thầy Giáo Việt Nam”
Kính thưa các thầy cô giáo và các em học sinh thân mến!
“Không thầy đố mày làm nên” đó chính là lời răn dạy của cha ông ta từ bao đời nay, thầy cô đã chắp cánh cho những ước mơ của chúng ta bay cao, bay xa, cung cấp cho chúng ta hành trang kiến thức để bước vào đời và trở thành một công dân tốt cho xã hội. Hòa trong không khí hân hoan hướng về ngày nhà giáo Việt nam, ngày mà cả nước nhằm tri ân, tôn vinh sự cống hiến miệt mài của các thầy, cô giáo.
Thư viện trường THCS Đồng Mai xin giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách “ Các Thầy Giáo Việt Nam” do Phạm Khang biên soạn. Nhà xuất bản Văn hóa thông tin phát hành năm 2010.
Có thể nói, nước ta là nước của nghề thầy bởi từ xưa, cứ biết chữ là có thể đi dạy, đang là học sinh cũng có thể di dạy. Nghề thầy là một nghề truyền thống, nên có những gia đình nối nghiệp làm thầy. Làm thầy là được kính trọng và ngược lại, đã làm thầy là phải luôn trau dồi đức hạnh và tài năng.
Với người Việt ta, học được xem là hành động thiêng liêng; người thầy truyền dạy đạo đức được đánh giá rất cao. Lịch sử giáo dục nước ta cho thấy nghề làm thầy luôn đòi hỏi phải tự trau dồi kiến thức, gắng công liên tục.
Quốn sách “Các thầy giáo Việt Nam” có độ dày 179 trang, giới thiệu về các thầy giáo nổi tiếng như: Lê Văn Hưu, Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Thị Duệ, Đoàn Thị Điểm, Lê Quý Đôn, Nguyễn Thiếp, Nguyễn Khuyến, Bùi Hữu Nghĩa, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Bội Châu,…
Nhà giáo Lê Văn Hưu, nhà sử học đầu tiên của Việt Nam, ông am hiểu thông tinh địa lý. Thời kỳ làm môn khách cho các gia đình quý tộc họ Trần, Ông đã là thầy dạy thượng tướng Trần Quang Khải, được cử vào viện Hàn Lâm thị tộc, ông đã giúp vua Trần xem bài vở, bồi dưỡng cho lớp người hậu tiến.
Viết về Chu Văn An, ông là một trong những nhà giáo ưu tú nhất trong lịch sử dân tộc. Thầy Chu Văn An vốn là người chính trực nên không thích việc quan trường. Ông mở trường dạy học ở làng Huỳnh Cung bên sông Tô Lịch (Hà Nội), sau này được chính vua Trần Minh Tông mời đến dạy tại Quốc Tử Giám và làm thầy riêng cho thái tử Trần Vượng, tức vua Trần Hiến Tông sau này. Đời Trần Dụ Tông, thấy chính sự bại hoại, ông đã viết “Thất trảm sớ” xin chém đầu 7 gian thần. Vua không nghe, ông đã từ quan về ở ẩn tại Chí Linh Hải Dương. Từ đó, ông chỉ làm thơ và dạy học.
Nhà giáo Nguyến Bỉnh khiêm, nổi tiếng vì tính tình cương trực, tư cách đạo đức, tài năng văn thơ của một nhà giáo có tiếng thời Lê – Mạc. Song vì không chịu được những điều thị phi, ông đã daanh sớ hạch tội 18 gian thần nhưng bị từ chối. Sau đó, ông cũng từ quan về quê ở ẩn và trở thành một nhà giáo lỗi lạc.
Nhà giáo Lê Quý Đôn là một vị quan, một nhà khoa học trong rất nhiều lĩnh vực ở thời hậu Lê. Với kiến thức uyên thâm, tài trí hơn người, ông đã để lại cho hậu thế nhiều bộ sách có giá trị ở nhiều thể loại khác nhau như lịch sử, địa lý, thơ văn,… Ngoài ra, ông còn là một nhà nho, nhà giáo dục tài năng và đức độ.
Cuốn sách này kể về các thầy giáo. Do tư liệu lịch sử về các thầy không nhiều nên quyển sách phải sử dụng nguồn tài liệu khai thác từ truyền thuyết, dã sử và huyền thoại bao quanh các nhân vật. Hy vọng bạn đọc sẽ thấy ở đây các tấm gương về những người thầy hết lòng, tận tâm đào tạo những người học trò đi từ những bước chập chững đầu tiên đến đĩnh vinh quang./.