DẠY HỌC THEO CHỦ ĐỀ TÍCH HỢP LIÊN MÔN
Đổi mới giáo dục đang được toàn xã hội quan tâm. Đổi mới phương pháp dạy học trong đổi mới giáo dục phổ thông theo hướng hiện đại; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức; tập trung dạy cách học, cách nghĩ, khuyến khích tự học, tạo cơ sở để người học cập nhật và đổi mới tri thức, kĩ năng, phát triển năng lực. Dạy học theo chủ đề tích hợp liên môn là một trong những phương pháp thể hiện tính ưu việt phát huy tính tích cực của học sinh.
Dạy học theo chủ đề là phương pháp tìm tòi những khái niệm, tư tưởng, đơn vị kiến thức, nội dung bài học, chủ đề,… có sự giao thoa, tương đồng lẫn nhau, dựa trên cơ sở các mối liên hệ về lí luận và thực tiễn được đề cập đến trong các môn học hoặc các hợp phần của môn học đó (tức là con đường tích hợp những nội dung từ một số đơn vị, bài học, môn học có liên hệ với nhau) làm thành nội dung học trong một chủ đề có ý nghĩa hơn, thực tế hơn, nhờ đó học sinh có thể tự hoạt động nhiều hơn để tìm ra kiến thức và vận dụng trong thực tiễn.
Xây dựng các chủ đề dạy học tích hợp liên môn trước tiên phải xác định nội dung dạy học tích hợp liên môn: Tuy có mối liên hệ với nhau nhưng chương trình các môn học trong chương trình giáo dục trung học cơ sở có tính độc lập tương đối, được thiết kế theo mạch kiến thức môn học trên nguyên tắc kiến thức được học trước là cơ sở của những kiến thức được học sau.Vì thế, một số nội dung kiến thức có liên quan đến nhiều môn học đều được đưa vào chương trình của các môn học đó gây ra sự chồng chéo, quá tải. Không những thế, thời điểm dạy học các kiến thức đó ở các môn học khác nhau là khác nhau, đôi khi thuật ngữ được dùng cũng khác nhau, gây khó khăn cho học sinh. Để khắc phục những khó khăn đó, trong khi chưa có chương trình mới, cần phải rà soát chương trình các môn học có liên quan với nhau trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, tìm ra những kiến thức chung để xây dựng thành các chủ đề dạy học tích hợp liên môn.
Trong chương trình ở bậc trung học cơ sở: các môn Ngữ Văn, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục Công dân, có các nội dung kiến thức chung thuộc các chủ đề như: Môi trường, Bùng nổ dân số, Dịch bệnh, Truyền thống dân tộc, Xu hướng toàn cầu hóa và khu vực hóa...Rà soát chương trình các môn học này, có thể xác định được một số kiến thức liên môn như sau: Môn Lịch sử và Địa lý có các kiến thức chung về: Điều kiện tự nhiên và vị trí địa lý, Phát kiến địa lý, Hệ thống bản đồ, Lịch sử và Địa lí của các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Môn Ngữ văn và Lịch sử có các kiến thức chung về: Các tác phẩm văn học, Văn học nước ngoài, Văn hóa Phục hưng, Các tác giả, tác phẩm. Trong chương trình các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Công nghệ có các nội dung kiến thức chung về ứng dụng trong đời sống và kĩ thuật. Dạy học theo chủ đề tích hợp liên môn đề cập đến nội dung dạy học, đến hình thức tổ chức và phương pháp dạy học, đến nội dung và phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả học tập.
Ứng dụng dạy học liên môn: Tổ chức dạy học chủ đề tích hợp liên môn qua trang "Trường học kết nối", tiến trình dạy học mỗi chủ đề bao gồm các hoạt động học của học sinh trong lớp, ngoài lớp, ở nhà và cộng đồng. Thời gian dạy học trên lớp chủ yếu dành cho các hoạt động nhằm phát hiện vấn đề, đề xuất giải pháp giải quyết vấn đề, xây dựng kế hoạch giải quyết vấn đề, trình bày báo cáo, trao đổi, thảo luận về kết quả giải quyết vấn đề. Hoạt động tìm tòi, nghiên cứu nhằm giải quyết vấn đề của học sinh, bao gồm việc nghiên cứu tài liệu và thực hành, thí nghiệm (nếu có) nên giao cho học sinh chủ động thực hiện ở ngoài lớp học (trong phòng thí nghiệm, thư viện), ở nhà và cộng đồng (nếu cần). Quá trình hoạt động học tập, nghiên cứu của học sinh bên ngoài lớp học cần được theo dõi, kiểm tra và hỗ trợ thường xuyên nhằm đảm bảo sự thành công và hiệu quả. Vì vậy, việc tổ chức dạy học các chủ đề tích hợp liên môn cần phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện chức năng đó của giáo viên. Trên trang mạng giáo dục "Trường học kết nối" hiện nay đã có đầy đủ công cụ để mỗi giáo viên tổ chức các bài học để hướng dẫn học sinh học tập song song với quá trình dạy học trên lớp. Để thực hiện điều đó, mỗi giáo viên phải có tài khoản giáo viên do nhà trường cấp cùng với danh sách các tài khoản của học sinh các lớp được giao phụ trách.
Lộ trình trong việc đổi mới phương pháp dạy học là cả một quá trình không dễ thay đổi việc học từ “thụ động” sang việc học “tích cực” vì phần lớn người học và cả người dạy đã quen với phương pháp học truyền thống. Thói quen này đã ăn sâu vào tiềm thức và khó có thể phá bỏ ngay. Thêm vào đó phần lớn người học vẫn có xu hướng chống lại việc “đọc tài liệu trước khi lên lớp”, “tham gia thảo luận trên lớp” hay “tự đọc thêm ở nhà” một cách chủ động và tích cực. Đây chính là thách thức cho người dạy và người học muốn áp dụng phương pháp dạy học tích cực.
Có rất nhiều phương hướng đổi mới phương pháp dạy học với những cách tiếp cận khác nhau. Việc đổi mới phương pháp dạy học đòi hỏi những điều kiện thích hợp về phương tiện, cơ sở vật chất, kỹ thuật và hình thức tổ chức dạy học, điều kiện về tổ chức, quản lý lớp học. Ngoài ra, phương pháp dạy học còn mang tính chủ quan. Mỗi giáo viên với kinh nghiệm riêng của mình cần xác định những phương hướng riêng để cải tiến phương pháp dạy học và kinh nghiệm của cá nhân./.