BÀI GIỚI THIẾU SÁCH THÁNG 01/2021
Tác phẩm “Đi ngang Hà Nội” của nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến
Bạn đọc thân mến!
Mấy trăm năm qua, với người Việt Nam, hình như con người và văn hóa Thăng long – Hà Nội luôn chứa đựng trong đó với vô số điều bí hiểm, mà việc tìm hiểu và lý giải đã trở thành một nhu cầu của rất nhiều thế hệ các nhà nghiên cứu, các nhà văn, nhà thơ...Song, dù viết bao nhiêu cuốn sách cũng khó có thể dựng lại diện mạo theo cả chiều rộng và chiều sâu của một vùng văn hóa đặc sắc mà ở đó, sự tích hợp văn hóa luôn mang tới nhiều điều mới mẻ, và sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa nội sinh và văn hóa ngoại sinh liên tục diễn ra trong lịch sử Hà Nội.
Năm 2012 nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến cho mắt tác phẩm “Đi ngang Hà Nội” – Tác phẩm tập hợp những ký sự sinh động, có tính chất khảo cứu về một số sự kiện – hiện tượng đã và đang diễn ra ở Thăng long – Hà Nội theo cả 2 chiều lịch đại và đồng đại.
Qua ngòi bút của Nguyễn Ngọc Tiến, người Hà Nội cùng thời lại có thể hình dung về tiếng chuông tàu điện leng keng và vợ chồng người hát xẩm ủ ê, ai oán cùng tiếng nhị cò cưa. Rồi những ngày người Hà Nội tìm cách chế biến bột mỳ sao cho ngon miệng. Rồi những giai thoại dân gian, những bài văn vần từng lưu truyền một thuở về Hà Thành, về tem phiếu, về những nghệ sĩ đậm “chất Hà Nội” bên ly cafe cũng đậm “chất Hà Nội” trong một thời khốn khó...
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến đã giải thích vì sao lại là “Đi ngang Hà Nội”: “Tôi sinh ra thì Hà Nội đã có rồi và hết cả cuộc đời tôi thì cũng chỉ là một lần đi qua Hà Nội mà thôi, vì thế cuốn sách có tên như vậy”. Với 31 câu chuyện đủ ngóc ngách đời sống lịch sử Hà Nội, từ những thứ đã thành biểu tượng của Hà Nội như tàu điện, phở, phố cổ... đến những thứ ít ai để tâm đến và bỏ công đi tìm hiểu như chuyện chồng tây vợ đầm, đi hát cô đầu, thú chơi cá cảnh hay chuyện nhà vệ sinh công cộng đầu tiên của Hà Nội..., tác giả cũng đã tiếp nối trang ký sự phong tục về thành phố lâu đời của mình.
Đọc “Đi ngang Hà Nội”, bạn đọc sẽ nhớ về những điều đã trôi vào lãng quên, nghĩ về những điều vẫn hiện hữu nhưng đã khác xưa. Vật đổi sao rời, quá khứ mang theo nó quá nhiều giá trị, quá nhiều câu chuyện không bao giờ trở lại. Để rồi đôi khi nhìn ngắm, tiếp xúc với một sự kiện đương thời nào đó, ta lại không biết rằng, để được như hôm nay, sự kiện hiện tượng kia đã trải qua bao thăng trầm, hay những sự kiện hiện tượng ấy đang tỏ ra không hợp thời kia, lại có một quá khứ vàng son... Cuộc đời là thế, con người không thể làm lại, hay sửa đồi những điều đã qua mà chỉ có thể nhìn nhận quá khứ một cách khách quan, vốn có rồi đi tìm những mối liên hệ với hiện tại.
Cuốn sách đã được trao giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội 2012 vì những đóng góp trong việc khắc họa sâu hơn chân dung của thành phố nghìn năm tuổi.
Bạn đọc yêu Hà Nội, muốn biết và những câu chuyện, những cuộc đời của người Hà Nội theo chiều dài lịch sử, nên đọc cuốn sách này. Vì cuốn sách không chỉ mang lại cho bạn những cảm xúc, mà còn mang lại cho bạn những hiểu biết về Hà Nội./.