BÀI GIỚI THIỆU SÁCH THÀNG 03
“Tuyển tập Vũ Bằng” do Dương Phong biên soạn
Vũ Bằng (1913 - 1984) ông sinh ra và lớn lên tại Hà Nội trong một gia đinh nho học, quê gốc ở Ngọc Cục, Lương Ngọc, nay là Bình Giang, Hải Dương. Là một nhà văn, nhà báo nổi tiếng của Việt Nam, ông có sở trường trong các thể loại truyện ngắn, tùy bút, bút ký…
Sau năm 1954, ông vào sài gòn sống và làm báo, có hoạt động cách mạng. Ngoài cái tên Vũ Bằng, ông còn có nhiều bút danh khác như Tiêu Liêu, Lê tâm…Nói tới Vũ Bằng, người ta bỗng thấy thêm yêu Hà Nội nghìn năm văn vật dầy thần thái, đầy yêu thương dịu dàng. Nói tới Vũ Bằng người ta nhắc tới “Miếng ngon Hà Nội”, “Thương nhớ mười hai”.
Với “Miếng ngon Hà Nội”, bằng ngòi bút đong đầy tình yên thương của người con xa Hà Nội, Vũ Bằng đã cho người đọc biết đến và thưởng thức những món ngon mang đậm cái hồn Hà Nội. Ông viết về Miếng ngon Hà Nội là viết về chính đời mình: “Miếng ngon Hà Nội, vì thế, nhiều khi làm cho ta yêu Hà Nội thấm thía, nhớ Hà Nội nao lòng, làm cho ta cảm giác ta là người Hà Nội…Những miếng ngon mà người Việt Nam ăn vào thấy ngát mùi đất nước, thấy mình Việt Nam hơn…”.
Còn với “Thương nhớ mười hai” ông viết về 12 tháng với khung cảnh thiên nhiên, đất trời, cảnh vật, con người, văn hóa của Hà Nội và của miền bắc. Ông đã dành trọn tác phẩm này để viết về văn hóa Hà Nội với chiều sâu của lịch sử và vẻ đẹp của Hà Nội trong nỗi niềm da diết. “Thương nhớ mười hai” là một tập tản văn được viết khi tác giả đang sông ở Sài Gòn, nhớ về miền Bắc – Hà Nội và người vợ thân thương của mình. Tập tản văn được chia thành mười hai đoạn, mỗi đoạn tương ứng với một tháng âm lịch của một năm. Qua đó nét văn hóa, những phong tục tập quán, những thói quen, những mảnh hồn của mảnh đất Hà Nội nói riêng và của vùng đất Bắc Bộ nói chung hiện lên rất rõ nét.
Cùng là người “sành” về Hà Nội, nhưng mỗi nhà văn lại có cách ứng xử, có cái nhìn khác khi viết về Hà Nội. Nếu như Nguyễn Tuân hiện ra như một tao nhân mặc khách, mang đậm tính dịch chuyển, Thạch Lam cảm nhận và viết về Hà Nội như một thi nhân thực thụ thì Vũ Bằng ca ngợi sự tinh tế của các món ăn với sự khoái khẩu của người thưởng thức, hưởng thụ. Thế nhưng, cùng với Nguyễn Tuân và Thạch Lam, Vũ Bằng đã thêm một nét vẽ, thêm một nét nhớ nhung, thêm sự da diết vào bản tình ca nỗi nhớ Hà Nội.
Có một “Thương nhớ mười hai”, có một “Miếng ngon Hà Nội” và có một Vũ Bằng như thế để nỗi nhớ, nỗi yêu thương Hà Nội vốn luôn cháy bỏng trong trái tim những con người yêu Hà Nội lại thêm lần nữa cháy bỏng hơn./.